Nâng cao quản trị, thúc đẩy tăng trưởng dầu khí

Thời gian tới, ngành dầu khí tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức khi nền kinh tế thế giới phục hồi chậm, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm; xung đột địa chính trị đẩy chi phí nguyên liệu, vận chuyển tăng cao… Để duy trì ổn định sản xuất, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đơn vị thành viên đã xây dựng các giải pháp nhằm đẩy mạnh tăng trưởng, phát triển bền vững.

Năm 2023, PVN đạt được nhiều thành tích ấn tượng, toàn diện; hầu hết các chỉ tiêu sản lượng, kinh doanh đều hoàn thành vượt mức kế hoạch và xác lập nhiều kỷ lục của ngành dầu khí.

Tăng trưởng ấn tượng

Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng cho biết, năm 2023, tổng sản lượng khai thác dầu của đơn vị đạt 10,41 triệu tấn, vượt 12,1%, hoàn thành kế hoạch năm trước 1 tháng 9 ngày; khai thác khí đạt 7,47 tỷ m3, vượt 25,7%; sản lượng đạm đạt 1,76 triệu tấn, vượt 10,3% kế hoạch, về đích trước 1 tháng 2 ngày; sản lượng điện đạt 23,07 tỷ kWgiờ, tăng 31%; sản xuất xăng dầu đạt 7,36 triệu tấn, vượt 33,2% kế hoạch, tăng 5,8% so với năm 2022, đạt mức kỷ lục, cao nhất kể từ khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào vận hành thương mại, cao hơn 400.000 tấn so với mức kỷ lục năm 2022 đã thiết lập,… Các chỉ tiêu tài chính hoàn thành kế hoạch năm trước 2-5 tháng, tiếp tục thiết lập mức kỷ lục mới về doanh thu sau 62 năm lịch sử ngành dầu khí. Cụ thể, tổng doanh thu đạt 942.800 tỷ đồng, vượt 39% kế hoạch năm, cao hơn 11.600 tỷ đồng so với kỷ lục năm 2022, tương đương 9,2% GDP cả nước; nộp ngân sách 151.800 tỷ đồng, vượt 94% kế hoạch, chiếm khoảng 9,4% tổng thu ngân sách năm 2023,…

Năm qua, có hai phát hiện dầu khí mới tại lô 16-2 và lô PM3-CAA. Đây là kết quả quan trọng vì từ sau năm 2018 đến nay, doanh nghiệp mới có hai phát hiện dầu khí mới trong một năm. Tập đoàn cũng tối ưu hóa chi phí, thực hành tiết kiệm đạt 3.072 tỷ đồng, vượt 37% so kế hoạch. “Những kết quả đạt được khẳng định PVN đã tích lũy đủ nguồn lực, kinh nghiệm để tham gia đầu tư và kinh doanh lĩnh vực công nghiệp-năng lượng tái tạo ở trong nước và quốc tế, nhất là điện gió ngoài khơi.

Đồng thời thể hiện quá trình miệt mài, tâm huyết triển khai phương châm quản trị biến động, đây cũng là tiền đề quan trọng để PVN tiếp tục phát triển ổn định, bền vững, vươn xa, hiện thực hóa khát vọng tăng trưởng, xây dựng và phát triển, trở thành Tập đoàn Công nghiệp năng lượng hàng đầu đất nước, giữ vai trò tiên phong, bảo đảm năng lượng cho phát triển” – ông Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Theo Tổng Giám đốc Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) Trần Hồng Nam, năm 2023, trong bối cảnh thị trường dầu mỏ thế giới có nhiều biến động, đơn vị đã tập trung duy trì quản trị biến động, quản trị chi phí, phát huy sáng kiến, sáng chế; tập trung điều hành khai thác với hiệu quả tối ưu, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, trong đó, chỉ tiêu gia tăng trữ lượng về đích trước 50 ngày, sản lượng khai thác dầu khí quy đổi về đích trước 41 ngày, các chỉ tiêu tài chính về đích sớm từ 104 đến 227 ngày so với kế hoạch năm.

Đơn cử, sản lượng khai thác đạt 3,66 triệu tấn quy dầu, vượt 15% kế hoạch, đạt 100% mục tiêu quản trị; tổng doanh thu phần PVEP 41.500 tỷ đồng, đạt 146% kế hoạch và 122% mục tiêu quản trị; nộp ngân sách 18.100 tỷ đồng, lãi nước chủ nhà 5.790 tỷ đồng,… Thời gian tới, đơn vị tiếp tục ổn định sản xuất, triển khai triệt để các giải pháp nhằm gia tăng trữ lượng và đạt sản lượng khai thác theo mục tiêu được giao.

Tạo động lực phát triển mới

Chia sẻ về hiệu quả doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) Bùi Ngọc Dương cho rằng, năm qua, đơn vị phải đối diện với nhiều khó khăn khi các loại chi phí đầu vào tăng cao, thị trường biến động khó tiên đoán, có thời điểm sản xuất không có lợi nhuận nhưng với sự nỗ lực vượt khó của người lao động đã giúp đơn vị cán đích với nhiều kỷ lục mới.

Cụ thể, BSR đạt sản lượng hơn 7,36 triệu tấn sản phẩm, tổng doanh thu đạt hơn 150.000 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 17.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế vượt xa kế hoạch, đơn vị cũng đạt 42,2 triệu giờ công an toàn. Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, đơn vị tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm hiệu quả hoạt động cũng như chủ động nguồn cung trên thị trường.

Theo dự báo, năm 2024, doanh nghiệp sẽ tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức tuy nhiên, với tiềm lực và sức mạnh của mình, PVN và các đơn vị thành viên đã xây dựng các kế hoạch, giải pháp, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng liên tục và bền vững.

Trong đó, phấn đấu gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 12-18 triệu tấn quy dầu, cao hơn 2-4 triệu tấn quy dầu so với kế hoạch 2023; khai thác dầu đạt 8,20-8,98 triệu tấn; khai thác khí đạt 5,1-7,5 tỷ m3, phấn đấu thực hiện hơn 7,5 tỷ m3 nếu công nghiệp điện huy động khí tối đa; sản xuất đạm đạt 1,74 triệu tấn; sản xuất điện đạt 27,78 tỷ kWgiờ; sản xuất xăng dầu (không gồm Nghi Sơn) đạt 5,79 triệu tấn, cao hơn 266.000 tấn so với kế hoạch năm 2023. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 734.200 tỷ đồng; nộp ngân sách 94.000 tỷ đồng, cao hơn 15.600 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2023,…

Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng khẳng định: Để hoàn thành mục tiêu đề ra, đơn vị xác định thực hiện sáu nhóm giải pháp trọng tâm về cơ chế, chính sách; quản trị và quản lý doanh nghiệp; tài chính; đầu tư; thị trường và khoa học công nghệ, đào tạo, an toàn, môi trường và phát triển bền vững.

Trong đó, tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện thể chế quản lý, cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho PVN mở rộng không gian, phạm vi phát triển, phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế. Tập trung quản trị tốt dòng tiền, bảo đảm an toàn, hiệu quả sử dụng vốn, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư. Đồng thời, thường xuyên cập nhật, dự báo giá dầu thô, giá các mặt hàng chủ lực nhằm xây dựng các kịch bản kinh doanh, có các giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp cũng như tập trung công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, phát triển và đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực,…

“Muốn tạo động lực phát triển cần cụ thể hóa trong từng lĩnh vực về quản trị doanh nghiệp theo phương châm làm mới động lực cũ để dịch chuyển mô hình kinh doanh. Tiếp tục khai thác động lực về việc mở rộng quy mô, nâng cao năng suất, hiệu suất, mở rộng thị trường kinh doanh quốc tế dựa trên các quan hệ song phương, đa phương; quản trị đầu tư, danh mục đầu tư các dự án đầu tư, tối ưu các loại chi phí cũng như tập trung hoàn thiện đề án tái cấu trúc đồng bộ với mô hình và hệ thống quản trị của Tập đoàn,…” – ông Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *